Sau bài chia sẻ “ Tái khởi nghiệp với 17 triệu đồng”, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn chia sẻ, quan tâm của các bạn đọc giả. Đa phần các anh chị động viên tôi, trong số đó có nhiều bạn trẻ hiện là sinh viên, người mới ra trường, người mới lập nghiệp…muốn tôi chia sẻ thêm về kinh nghiệm khởi nghiệp. Tôi đã có dịp gặp gỡ một vài bạn để cùng trao đổi, những thắc mắc của các bạn thường có những điểm chung như là: Tôi nên làm gì với số vốn này, tôi đam mê kinh doanh vậy tôi có nên bỏ việc để kinh doanh, tôi nên kinh doanh sản phẩm này hay kinh doanh sản phẩm kia …? Dưới đây là những lời khuyên cho những ai muốn khởi nghiệp được đúc kết bằng những kinh nghiệm từ chính bản thân tôi.
1. Tích luỹ kiến thức
Kiến thức được tích luỹ trong học đường là rất quan trọng, tuy nhiên, điều tôi muốn đề cập ở đây là kiến thức ngành nghề. Bạn muốn gia nhập vào lĩnh vực thời trang thì bắt buộc bạn phải am hiểu về nó. Chí ít bạn cũng phải biết được tình hình thực tại của lĩnh vực mình dự định tham gia, hướng phát triển có sáng sủa không cũng như những mối quan hệ trong ngành. Thông tin được thu thập và cập nhật thường xuyên trên báo chí, internet không là chưa đủ. Bạn phải tìm hiểu thêm từ thực tế như ở người tiêu dùng, các chợ, shop, nhà thương mại và nhà sản xuất. Các mối quan hệ này giúp bạn am hiểu hơn tình hình thực tế, tạo nên cái nhìn toàn diện hơn và sàn lọc rõ ràng hơn từ những thông tin đại chúng của báo đài, internet…
2. Trao dồi kinh nghiệm
Muốn có kiến thức thì học, quan sát, trao đổi và lắng nghe bạn sẽ có. Nhưng để có kinh nghiệm thì phải làm mới có được. Tôi không khuyến khích các bạn hãy khởi nghiệp tức thì để có những kinh nghiệm, nhưng nếu bạn muốn khởi nghiệp trong ngành ăn uống, vậy tại sao chúng ta không đi tìm “đất để dụng võ” ? Hãy tham gia vào nhiều vị trí khác nhau để có thể trãi nghiệm một cách toàn diện về ngành nghề mình theo đuổi. Chỉ có trãi nghiệm thực tế mới có thể giúp bạn một lần nữa khẳng định bạn có phù hợp hay không bởi “ không phải bạn lớn, bạn mạnh là bạn có thể tồn tại. Chỉ khi nào bạn phù hợp thì bạn mới tồn tại được mà thôi”.
Phải thật sự yêu thì bạn mới dành trọn tâm huyết với nghề. Bạn lo lắng, chăm chút từng li từng tí, bạn suy nghĩ và trăn trở từng ngày, từng giờ để một ngày nào đó nó trở thành hiện thực. Chỉ khi nào cái cảm giác đó lan toả trong bạn, nó sôi sục ngày này qua tháng nọ và điều đó thôi thúc bạn phải hành động thì bạn cũng đừng quên thực hiện các bước nêu trên cũng như các bước dưới đây nhé. Còn nếu cái cảm giác ấy chỉ tồn tại trong ngắn hạn và rồi bạn lại phát hiện một điều gì đó hay hơn, hấp dẫn bạn hơn thì đúng là cái cảm giác ban đầu chỉ đơn thuần là “ tiếng sét ngang tai” mà thôi. Sai lầm lớn nhất là chỉ cần ngồi nhăm nhi ly cà phê, nghe một câu chuyện hay đọc một bài báo là các bạn cho rằng mình đã “yêu”, không phải vậy, đó chẳng qua là một “ cái đẹp bên đường” mà chưa chắc bạn đã phù hợp. Nên xem xét kỹ nhé.
4. Định hướng kế hoạch
Thử lập cho mình một bản kế hoạch càng chi tiết càng tốt. Trong đó, hãy xác định mục tiêu rõ ràng và bên cạnh đó là cách thức hoạt động để có thể đạt được mục tiêu. Đừng quên là chúng ta cũng sẽ phải chỉ ra được những cơ hội và thách thức nhé. Nếu khi ấy bạn thấy rằng cơ hội không đủ hấp dẫn bạn nữa thì nên xem xét lại. Điều này hiếm khi xảy ra trong lúc “ máu lửa” khởi nghiệp đang hừng hực, nhưng chắc chắn rằng bạn sẽ không thấy được những thách thức phía trước, nghĩa là bạn sẽ chỉ thấy toàn những cơ hội, những điều tốt đẹp. Thật quá uy hiểm! Hãy tìm những người từng trải để họ chia sẻ những khó khăn thách thức để bức tranh khởi nghiệp của bạn được hoàn hảo. Đừng quá lo lắng khi nhận thấy có quá nhiều rủi ro, thay vào đó là hãy tự tìm cho mình hướng giải quyết. Nên nhớ, tất cả những khó khăn đều có giải pháp, vấn đề là giải pháp của bạn tốt đến đâu mà thôi. Nếu cảm thấy bất an với khả năng hiện tại, hãy lập một kế hoạch nhỏ để giải quyết trước khi tiếp tục một kế hoạch lớn.
Khi kiến thức đã được tích luỹ, kinh nghiệm đã có cộng với một tình yêu mãnh liệt và một bản kế hoạch chi tiết đã chỉ ra những điều kiện cần và đủ. Giờ là lúc bạn phải tự ra quyết định rằng “dấn thân – trì hoãn hay bỏ cuộc”. Chẳng có gì là xấu hổ nếu bây giờ bạn quyết định trì hoãn hay bỏ cuộc. Nhưng nếu đã quyết tâm dấn thân sau khi trãi qua bốn bước đã nêu trên thì tôi mong rằng bạn hãy thật kiên định. Mặc dù bạn đã chuẩn bị hành trang rất tốt cho chuyến phiêu lưu khởi nghiệp, nhưng cũng sẽ không thể nào lường hết mọi việc, khó khăn sẽ ập đến và ấn chìm bạn nếu bạn không đủ sức vượt qua. Và thành công sẽ chỉ đến với bạn khi bạn đủ bản lĩnh. Mỗi giai đoạn sẽ có những khó khăn nhất định, không có khoảng lặng như bạn tưởng và cũng đừng mơ tưởng đến điều đó bởi khoảng lặng chỉ xuất hiện khi mọi thứ dừng lại…
No comments:
Post a Comment