Một kết quả thống kê mà tôi vừa được xem qua, người ta nói rằng đa số các du học sinh trên đất Mỹ đều chọn 2 ngành: Bác sĩ và kỹ sư. Rồi một ngày nọ, đứa cháu ruột của tôi sang Mỹ định cư. Nó cứ hỏi tôi suốt về việc nên chọn ngành gì để học....
Gia đình bên nội thì kêu nó học bác sĩ đi, mai này đi làm " ngon lắm", một trong những thành viên bên nội thì đề nghị học kỹ sư, kỹ sư ở đây cũng " ngon lắm". Nghe đứa cháu kể vậy, tôi cũng không biết cái gọi là " ngon lắm" nghĩa là sao nữa. Bản thân tôi cũng chưa biết được học ngành nào là " ngon" nữa, thì huống gì mà mách bảo nó. Tôi thấy ông Bill Gates, ông Warren Buffett...mấy ổng có học bác sĩ, kỹ sư gì đâu mà mấy ổng giàu quá trời giàu, nổi tiếng quá trời nổi tiếng. Điều này được lý giải như thế nào đây ? Đối lập với họ, có rất nhiều ông bác sĩ cũng phải "gỡ lịch" vì chích nhằm thuốc, chích đến chết người rồi quăng sông...có những ông kỹ sư cũng thất nghiệp, cũng lông bông đó thôi! Không nhìn đâu xa, tôi chỉ cho thằng nhỏ thấy tiệm sửa xe gần nhà. Nhìn thực tế, anh chủ xuất thân là thợ sửa xe, khách cứ vào tiệm tấp nập. Ngoài việc sửa xe, anh còn bán thêm phụ tùng và còn có gần chục thợ phụ. Vậy nghề anh ta đang làm có "ngon" không ta ? Bạn bè tôi cũng thường hay so sánh rằng làm nghề này tốt hơn nghề kia, nào là kiếm nhiều tiền hơn, nào là dễ làm hơn, nào là....
Vấn đề không phải là làm nghề gì hay nghề gì sẽ tốt hơn nghề gì, bởi nghề nào cũng có những đòi hỏi riêng của nghề. Có thể là tay nghề, có thể là trình độ, có thể là kinh nghiệm,....nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm nghề như thế nào, mà cụ thể là làm tốt nghề như thế nào. Khi bạn làm tốt công việc - cái nghề - của bạn thì tự nhiên thành công cũng như tiền sẽ đến với bạn. Nhưng nếu để đánh giá công việc bằng tiền thì cũng không hẳn là chính xác hoàn toàn. Tôi quan niệm rằng cái nghề đó phải phù hợp với khả năng, sở thích của mình, thì may ra chúng ta mới có thể phát huy hết khả năng được. Có rất nhiều bạn vì chạy theo phong trào để rồi khi tốt nghiệp, cảm thấy hối tiếc, cảm thấy không " hứng thú" làm việc và cuối cùng là trở lại vạch xuất phát hoặc làm cho có, làm cho qua ngày qua tháng. Thử hỏi lúc đó ta sẽ cho là cái nghề này "không ngon " hay sao ?
Tính phù hợp, niềm đam mê sẽ là động lực để chúng ta học hỏi và phát huy tối đa công việc. Từ đó mà nghề của bạn có thể phát triển đến đỉnh điểm. Lúc đó thì bạn sẽ cảm thấy nghề của bạn đang theo là " ngon" thật sự !
No comments:
Post a Comment