Wednesday, May 11, 2016

Tuyệt chiêu bán hàng

Bán hàng đỉnh cao, tuyệt chiêu bán hàng, ngón nghề trong bán hàng…Đâu là “thượng chiêu” và là “thương đỉnh” trong bán hàng, có phải khi học xong các “bí quyết võ công” này thì các bạn sẽ trở nên “thâm hậu” và bách chiến bách thắng ?!

Có người chia sẻ với tôi rằng tuyệt đỉnh bán hàng là không phải ai mua cũng bán, bán cũng phải xem khách hàng đó là ai, họ có quan tâm đến sản phẩm không hay chỉ mua cho biết hay vì một lý do nào khác. Tóm lại, không phải ai mua cũng bán và đó mới là tuyệt đỉnh bán hàng. Một anh bạn khá thân với tôi chia sẻ: “ mấy đứa kinh doanh ( bán hàng ) toàn là đi lừa người ta để bán được hàng”, cứ nói tá lả để bán được hàng, cứ hứa từa lưa….ban đầu tôi cũng có thành kiến với những phát biểu của anh ta, nhưng sau này gặp một vài anh bán hàng cứ hứa, cứ làm đại làm bừa để bán được hàng riết rồi tôi cũng phần nào thông cảm cho cái suy nghĩ ấy của anh bạn mình. Quả thật là cũng có những trường hợp như vậy, bạn hãy thử nghĩ xem, làm gì có một chiếc áo thun mà chỉ có vài chục ngàn. Thậm chí có khi chỉ là 15 ngàn là đã có thể sở hữu cho mình một chiếc áo thun cực chất, chất liệu cotton cực tốt, may chắc chắn và sắc xảo….? Đúng là những trò lừa rẻ tiền mà chỉ có sự tham lam thiếu hiểu biết mới có thể bị qua mặt.

Vậy “chiêu” bán hàng của bạn là gì ? Đảm bảo rằng không phải ai cũng có đủ kinh phí để đầu tư cho mình những khoá huấn luyện bán hàng, nhưng như thế không có nghĩa là họ không bán hàng được hoặc họ không bán hàng tốt. Tôi đã từng chứng kiến một cô bán tạp hoá rất hiểu khách hàng của mình, vừa thắng xe cái rẹt trước cửa hàng là y như rằng tôi lại nghe: “ như cũ hả ?” , “lấy cho chú ba gói con mèo” , “lấy cho cô năm bịch omo nhỏ” …Không chỉ đơn thuần là nhớ thói quen mua hàng của từng khách hàng, cô này còn biết hàng này có mấy loại, cỡ lớn thì bao nhiêu và cỡ nhỏ bao nhiêu, hãng này tốt hơn hãng kia cũng như nhãn hàng nọ được nhiều người mua nè chị. Có lần, khách hàng phàn nàn về sản phẩm và cũng có lần khách hàng nói về mong muốn của mình, lần nào cũng vậy, cô chủ tiệm tạp hoá kia vẫn luôn là người lắng nghe một cách nghiêm túc. Cô lắng nghe một cách chăm chú và giải thích một cách rất chân thật. Đúng là chúng ta có tới 02 lỗ tai để nghe và 01 cái miệng để nói ! Nói nhiều quá liệu có hiểu được khách hàng của mình muốn gì không, nói nhiều nghe cũng phát mệt, đó là lời phàn nàn mà chúng ta thường bắt gặp….Am hiểu sản phẩm là điều cực kì quan trọng, nhưng lại là điều cực kì cơ bản. Nói cơ bản là vì muốn bán được hàng thì ít ra mình phải hiểu được mình đang bán cái gì, công dụng của nó là gì, nó khác cái kia chỗ nào. Ở đây, mình không bàn về chuyện hên xui hay mấy cái kiểu mua để ủng hộ, mua để lấy lòng…Còn việc am hiểu sản phẩm là điều quan trọng vì bạn biết rồi đấy, một nghiên cứu cho thấy rằng người mua hàng đưa ra quyết định một thương vụ dựa trên cảm tính là phần lớn. Mấy ai am hiểu như người bán để mà lựa với chọn, chỉ có xài rồi mới biết, nghe nói thì tin nhưng cũng có gì đâu mà tin tuyệt đối.

Từ những trãi nghiệm thực tế, tôi xin chia sẻ với các bạn yêu thích kinh doanh mua bán vài điều sau để gói đầu nằm mà chiêm nghiệm nhé. Nó chẳng là tuyệt chiêu gì cả, đơn thuần chỉ là những ngón nghề mọn cần được các bạn đóng góp. Đừng quên cho mình “comment” qua hộp thư: tantai@lulo.vn nha:

1. Am hiểu sản phẩm: Càng am hiểu sản phẩm bao nhiêu bạn càng có nhiều lợi thế bấy nhiêu, bởi tất cả chúng ta đều mong muốn được một “ chuyên gia” tư vấn chứ phải ngồi nghe một anh chàng hỏi gì cũng ấp a ấp ứ. Không chỉ am hiểu sản phẩm mình đang bán, theo tôi, bạn cần phải hiểu được sản phẩm tương tự của đối thủ và nếu cần thiết bạn có thể so sánh cho khách hàng của bạn được rõ hơn.

2. Lắng nghe và nói đủ: Không lắng nghe tâm tư nguyện vọng của khách hàng thì làm gì có được cơ sở để mà tư vấn ? Hay mình được đào tạo cái gì thì cứ lấy hết bài ra nói là ok ? Không, chúng ta là người trong ngành nên có thể chúng ta biết nhiều hơn khách hàng, nhưng điều họ đang quan tâm không phải là tất cả, chỉ là một khía cạnh nào đó. Để dành đi, rồi khi có cơ hội bạn hãy chia sẻ sau bởi không phải ai cũng có đủ thời gian để lắng nghe bạn.

3. Chú tâm hơn để nhớ tốt hơn: Sẽ chẳng nhớ được điều gì đã xảy ra với mình và ai đó nếu bạn không chú tâm đến. Thật tồi tệ nếu một khách hàng cũ gọi đến, bạn còn không nhớ đến nổi cái tên công ty, tên khách hàng, sản phẩm mà họ từng mua. Ây da…anh chàng này chả để tâm gì đến mình đây và thế là mình phải làm việc lại từ đầu rồi, chán thật ! 

4. Tập trung vào thế mạnh: Tuỳ theo chiến lược và định vị dòng sản phẩm, sản phẩm thấp cấp hay cao cấp không phải là cái tội và cũng chẳng ai có thể ôm cả thị trường. Bạn chỉ có thể phục vụ tốt một nhóm đối tượng khách hàng nào đó thôi, đừng suy nghĩ viễn vong rằng bạn có thể phục vụ tất cả khách hàng với mọi mức giá và chất lượng theo yêu cầu một cách tốt nhất. Đừng vì cái suy nghĩ viễn vong đó mà đánh mất chính bạn, trên thế giới có được bao nhiêu công ty làm được điều đó ? Có một câu nói vui rằng “ cái gì nó cũng biết, hoá ra, nó chẳng biết cái gì” hay “ cái gì nó cũng làm, rồi hoá ra nó làm cái gì ta ?”

5. Chân thật: Khách hàng có thể không am hiểu như bạn, nhưng có ai chắc chắn rằng bạn bè của họ cũng không biết gì. Ai may mắn lừa được khách hàng hết lần này đến lần khác mà không bị phát hiện ? Rồi, bạn có thấy tự hào với bản thân, bạn bè và người thân của mình về điều mình đã làm ? Họ có ủng hộ bạn không ? Khi khách hàng cảm nhận được sự chân thật của bạn, khoảng cách sẽ được thu hẹp, ưu thế sẽ được nhân đôi và lòng trung thành sẽ xuất hiện. Đừng quên rằng, chi phí đầu tư cho một khách hàng cũ là rất nhỏ so với chi phí đầu tư cho một khách hàng mới hoàn toàn bao gồm cả về đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc, …

Những điều trên đây chỉ là những điều cơ bản nhất mà tôi đã học được từ thực tế, chắc chắn sẽ còn nhiều nữa những điều mà chúng ta cần phải trao đổi. Với tôi, hãy thực hiện tốt những cái cơ bản này trước đã, còn bạn thì sao ?

(Nguồn: http://lulo.vn/tin-tuc.html )


No comments:

Post a Comment